Trích nguồn: https://soyte.camau.gov.vn/chuyên mục Khoa học, Chính trị và Xã hội
Trong những năm gần đây, tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến rượu chứa methanol vượt ngưỡng cho phép liên tiếp xảy ra, đã gây hoang mang và khiến cho người tiêu dùng lo lắng khi sử dụng các sản phẩm rượu không an toàn.
Hiện nay, các cơ quan chức năng chưa có thống kê chính xác về số lượng cơ sở sản xuất rượu. Song, trên thực tế cơ sở sản xuất rượu thủ công được phân bố, trải đều khắp từ thành thị đến nông thôn. Trung bình mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất ít nhất 10 lít rượu. Các cơ sở nấu rượu được hình thành một cách tự phát, theo hộ gia đình chưa được đăng ký và cấp phép của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Quy trình sản xuất rượu của các hộ gia đình hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Gạo được nấu thành cơm, rồi tán men thành bột, rắc lên cơm và ủ. Sau một thời gian nhất định, cơm lên men và được mang ra chưng cất thành rượu. Qua tìm hiểu nguyên liệu để nấu rượu tại một cơ sở đã phần nào thấy được độ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Gạo nấu rượu có chất lượng thấp, nhiều hạt gạo bị ố vàng và mốc. Men để nấu rượu chỉ số ít là do người dân tự sản xuất theo truyền thống, số còn lại thì không biết nguồn gốc xuất xứ cũng như không có nhãn mác. Khu vực nấu, dụng cụ chưng cất rượu được làm rất thủ công và không đảm bảo vệ sinh.
Theo bà T.T.Ơ, ngụ phường 8, thành phố Cà Mau chia sẻ: Tôi bán tạp hóa nhỏ lẻ trong xóm, việc bán rượu là thường xuyên. Chủ yếu là lấy mối, cảm thấy rượu ngon, khách chuộng thì tôi bán được thôi. Như những chỗ bán khác, không ai đặt vấn đề về an toàn trong sản xuất rượu và đảm bảo sức khỏe cho người uống cả.
Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất rượu, muốn đảm bảo các thông số đạt tiêu chuẩn thì rượu sau khi chưng cất xong phải qua hệ thống lọc khử để loại bỏ các độc tố trong rượu. Tuy nhiên, rượu sản xuất thủ công tại các hộ gia đình sau khi chưng cất đã được giao bán cho các tiệm tạp hóa, quán ăn… hoàn toàn không qua khâu cấp phép, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kiểm soát nguồn gốc chất lượng rượu, nhất là đối với rượu thủ công, ngày 14/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu thủ công phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác kinh doanh với chính quyền địa phương.
Thực hiện nghiêm Nghị định của Chính phủ, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra và cấp phép sản xuất rượu, đồng thời hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với một số sản phẩm rượu đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, con số này chiếm rất ít, còn lại hầu hết các cơ sở nấu rượu thủ công chưa được cấp phép cũng như kiểm định chất lượng sản phẩm rượu trước khi bán ra thị trường.
Rượu pha bằng cồn công nghiệp rất nguy hiểm bởi khởi đầu nó có tác dụng tương tự như rượu thông thường. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mắt và não… Phải mất 12 giờ hoặc thậm chí một, hai ngày sau khi uống, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…, khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng, ông Phạm Văn Hưng cho biết thêm.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh mặt hàng rượu, ngoài nỗ lực của ngành chức năng thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của chính các hộ sản xuất, kinh doanh rượu và của cả cộng đồng trong việc kiểm tra, kiểm soát, khai báo. Huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc nói không với việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của người thân và cộng đồng.